Trang Nhà

Mục Lục Phật Pháp

Tiếp độ người chết

Thích Trí Siêu


Có 3 giai đoạn : gần chết, lúc chết và sau khi chết.

I/ Gần chết

Khi thấy người thân sắp chết, do bệnh, già hoặc tai nạn v..v...Người nhà cần phải ở gần bên an ủi 5 điều chính giúp cho họ :
1/ Ðừng sợ chết: vì làm người ai cũng phải chết, và chết không phải là hết, đó chỉ là xả bỏ cái thân già nua, mục nát này mà thôi.
2/ Sanh tâm lìa bỏ, nhàm chán thân tứ đại, già nua, bệnh hoạn, đau đớn, và xem nó như cái áo cũ rách.
3/ Không nên quyến luyến gia đình quyến thuộc, vì sẽ khó ra đi nhẹ nhàng.
4/ Nhắc nhở những điều phước thiện mà họ đã làm trong đời như quy-y, bố thí, cúng dường, giúp đỡ người khác... 
5/ Phát tâm nương cầu nơi Đức Phật A Di Ðà và cảnh Cực Lạc.
Lúc này trong gia đình nên giữ thanh tịnh, không ồn ào náo nhiệt hay cãi vã tranh chấp để cho tâm hồn người hấp hối được yên tâm ra đi.

II/ Trong lúc chết

Khi người bệnh bắt đầu mê man bất tỉnh, chân tay lạnh dần, đó chính là dấu hiệu của sự chết. Lúc này bà con quyến thuộc không nên khóc than hay gào thét, làm như vậy chỉ bận tâm người chết, không được ích lợi gì mà có thể làm hại là đàng khác. Cách tốt hơn hết là bắt đầu tụng một thời Kinh Tịnh Ðộ hoặc Cầu Siêu. Ðến chỗ niệm danh hiệu Phật A Di Ðà thì niệm nhiều và lâu cho đến khi người bệnh hoàn toàn tắt thở thì tụng nốt phần cuối của thời Kinh.
Trong lúc tụng Kinh, tất cả người nhà phải thành tâm cầu nguyện đức Phật A Di Ðà đến tiếp dẫn người chết được vãng sanh Cực Lạc.
Sau thời Kinh chính, người nhà hãy luân phiên niệm Phật thêm khoảng 8 tiếng đồng hồ nữa. Trong thời gian này không nên đụng đậy hay xê dịch thân thể như dọn dẹp mền nệm, chùi rửa thay đổi áo quần. Sau khoảng 8 tiếng hãy tắm rửa thân thể (không bắt buộc), thay đổi áo quần và nhập liệm. Nếu muốn thay đổi quần áo mà thân thể người chết co quắp hoặc cứng đơ thì ta có thể xoa và chà alcool hay dầu nóng vào các khớp xương thì nó sẽ mềm ra.
Nếu xúc chạm thân thể quá sớm khi thần thức người chết chưa hoàn toàn rời khỏi thân,  họ có thể bị xúc động và cảm thọ sự đau đớn, nhân đó mà sinh ra sân hận có thể đọa vào ba đường ác (địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh).

III/ Sau khi chết

Sau khi thân thể đã hoàn toàn cứng lạnh, thần thức coi như đã rời khỏi thân xác, giai đoạn này gọi là sau khi chết. Người chết nếu chưa được giải thoát thì phần nhiều phải trải qua một trạng thái tối tăm mờ mịt trong một thời gian khoảng 3 đến 4 ngày, rồi sau đó mới có cảm giác minh mẫn trở lại, khi đó họ bắt đầu bước vào cảnh giới Trung ấm (là giai đoạn giữa sự chết và tái sinh) và mang một cái thân gọi là thân Trung ấm. Thời gian sống của Trung ấm thân có thể kéo dài trung bình từ 1 đến 49 ngày kể từ khi mới chết. 
Thông thường người chết, khi thần thức đã rời khỏi thân, thường hay mê muội không ý thức được rằng mình đã chết, nên hay đắn đo tự hỏi: "Ta đã chết hay chưa chết ?" 
Ở trong trạng thái mơ mơ màng màng này, họ vẫn thấy được người thân và gia đình quyến thuộc, mỗi mỗi đều hiện ra trước mắt, nhưng mờ ảo giống như cảnh trong mộng. Trong cảnh giới Trung ấm, cứ sau mỗi 7 ngày là Thân Trung Ấm lại rơi vào hôn mê, mê rồi lại tỉnh, tỉnh rồi lại mê và bị gió nghiệp thổi đi đây đó một cách bất định. Trước mắt họ thường hiện ra những cảnh thiện, ác, sung sướng hay rùng rợn tùy theo nghiệp đã tạo trong lúc còn sống.

Ðặc biệt là bất cứ đang trôi dạt ở đâu, hễ nghe gọi đến tên mình là Thân Trung ấm (thần thức) liền trở về nhanh như chớp mắt. Do đó người nhà, trong vòng 3 ngày đầu (khi thi hài còn để ở nhà) nên luân phiên nhau mỗi ngày tụng một thời Kinh (Tịnh Ðộ hoặc Cầu Siêu), và thường xuyên niệm Phật ở gần người chết. Lại nữa, lâu lâu ngồi gần bên gọi tên người chết khuyên nhủ, nhắc nhở họ: 

1/ Lìa bỏ, nhàm chán thân tứ đại: Tên ... nghe đây, đừng luyến tiếc cái thân này nữa, vì thân này là nguồn gốc của mọi sự đau khổ, có thân nên có già, bệnh, chết. Vì thân này mà lúc sống đã làm nhiều điều ác. Do đó không nên luyến tiếc thân này nữa.  Dù có luyến tiếc cũng không được, vì bây giờ nó đang hư thối mục nát, không thể dùng được.
2/ Không ái luyến gia đình quyến thuộc:
Tên (ông, bà, cha, mẹ....) nghe đây, không nên luyến ái, thương tiếc gia đình, vợ chồng, con cái, tài sản... Vì dù có muốn trở lại được sắc thân tứ đại, thì đó chẳng qua trở lại chịu khổ sanh tử, luân hồi. Dù có trở lại đi nữa cũng không thể gặp lại bà con quyến thuộc, vì sẽ phải mang một xác thân khác. Vậy phải nên dẹp bỏ ý muốn được sống trở lại. Hãy yên lòng niệm Phật A Di Ðà cầu Ngài cứu độ cho. 
3/ Tất cả cảnh giới đang thấy đều là giả:
(Tên) nghe đây, tất cả cảnh giới đang nhìn thấy, dù sung sướng hay ghê rợn đều là giả, là ảo ảnh, đừng sanh tâm vui mừng chạy theo, cũng đừng sợ hãi bỏ chạy. Vì nó không thể làm hại được (Tên) đâu. Chỉ nên nhất tâm niệm Phật cầu Ngài đến rước.
4/ Nương cầu nơi Phật A Di Ðà:
(Tên) nghe đây, tất cả cảnh giới đều là giả dối đau khổ, dính mắc. Chỉ có cảnh Cực Lạc của Phật A Di Ðà là hoàn toàn sung sướng không bao giờ chết. Vì vậy hãy chí tâm niệm Phật và nhớ tưởng đến Ngài, cầu Ngài đến tiếp dẫn về Cực Lạc. Nam Mô A Di Ðà Phật.

IV/ Cúng thất

Trong giai đoạn Trung ấm, cứ sau mỗi 7 ngày thì thần thức hôn mê rồi tỉnh lại. Nếu có ai cúng cho ăn thì được hưởng (bầy đồ ăn mà không gọi tên thì thần thức không được hưởng), vì thế họ được gọi là hương linh (linh hồn sống bằng mùi hương). Do đó cứ sau mỗi 7 ngày thì người nhà tụng Kinh triệu thỉnh hương linh về (nếu chưa đi thọ thai) để vừa ăn vừa được nghe Kinh. Ðồ cúng cần phải thanh tịnh, tuyệt đối không nên giết heo, bò, gà, vịt, để cúng, nếu làm thế thì người chết phải bị tội thêm. Nên làm đồ chay thanh tịnh, 3 món là đủ không cần nhiều.

Thích Trí Siêu
15/8/88
 

Trang Nhà        Sách        Băng Giảng        Phật Pháp